Kết thúc ngày giao dịch 13/3, giá dầu bật tăng gần 3% khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu leo thang. Ngoài ra, tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá.

Năng lượng

Kết thúc ngày giao dịch 13/3, giá dầu bật tăng gần 3% khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu leo thang. Ngoài ra, tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá.
 
Chốt phiên, giá dầu WTI chấm dứt chuỗi giảm hai phiên liên tiếp khi tăng 2,78% lên 79,72 USD/thùng. Dầu Brent tăng 2,58% lên 84,03 USD/thùng.
 
Làn sóng tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại một số nhà máy lọc dầu. Các quan chức Nga cho biết đám cháy đã bùng phát tại Norsi, nhà máy lọc dầu lớn thứ tư của Nga, với công suất 317.000 thùng/ngày. Hỏa hoạn cũng xảy ra tại nhà máy lọc dầu Ryazan do Rosneft kiểm soát với công suất 350.000 thùng/ngày. Trong khi đó, nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk với công suất 96.000 thùng/ngày ở vùng Rostov phía nam nước Nga đã phải đình chỉ hoạt động trong ngắn hạn sau khi máy bay không người lái bị bắn hạ rơi xuống khu vực này.
 
Công suất lọc dầu của Nga có thể bị sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ phía Ukraine, điều này có thể dẫn đến việc Nga xuất khẩu ít nhiên liệu hơn. Tâm lý lo ngại nguồn cung từ Nga thắt chặt đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu.

Nông sản

Hầu hết các mặt hàng nông sản diễn biến giằng co và kết phiên giao dịch ngày hôm qua với mức biến động không đáng kể. Dầu đậu tương tiếp tục nhận được hỗ trợ gián tiếp từ đà hồi phục của giá dầu cọ, và ghi nhận mức tăng mạnh nhất cả nhóm. Mặt khác, đà tăng liên tục từ đầu tuần của lúa mì đã chững lại vào hôm qua, khi giá đóng cửa phiên suy yếu nhẹ 0,59%.

Triển vọng mùa vụ ở các nhà cung cấp lúa mì lớn trên thế giới như Argentina và Australia đã gây sức ép lên giá lúa mì. Cụ thể, các vùng nông nghiệp trọng điểm của Argentina đã nhận được lượng mưa 15-75 mm trong vòng 24 giờ qua, với dự báo sẽ có nhiều mưa hơn trong những ngày tới. Điều này giúp tăng độ ẩm đất và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trồng lúa mì bắt đầu vào tháng 5. Trong khi đó ở Australia, các cơn mưa lan rộng trên khắp miền đông và miền nam từ 12/2023 – 2/2024 cũng đã cải thiện đáng kể độ ẩm đất, vốn bị suy giảm do đợt nắng nóng trong cuối năm 2023. Hơn nữa, dự báo cho thấy hiện tượng La Nina sẽ quay trở lại vào cuối năm nay, mang lại thời tiết ẩm ướt hơn và hỗ trợ mùa vụ.

Giá ngô chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tục và ghi nhận mức giảm nhẹ 0,11%, chủ yếu là do áp lực bán kỹ thuật của thị trường. Tuy nhiên, tình hình mùa vụ tiêu cực của Brazil đã góp phần hạn chế đà giảm của giá. Cơ quan khí tượng Climatempo cho biết, Brazil sẽ trải qua những ngày cuối mùa hè với nhiệt độ cao trên khắp cả nước. Kể từ đầu tuần này, nhiệt độ đã bắt đầu tăng cao ở nhiều khu vực. Tình trạng này dự kiến sẽ gây căng thẳng cho các diện tích ngô vụ 2 mới được gieo trồng, và đe dọa đến triển vọng sản xuất của nước này.

Đậu tương kết phiên gần như không thay đổi so với mốc tham chiếu. Lo ngại về triển vọng thời tiết tại Argentina tiếp tục được củng cố là yếu tố chính đã hỗ trợ giá. Cụ thể, tiến sĩ Cordonnier, chuyên gia lĩnh vực nông sản khu vực Nam Mỹ cho biết, lượng mưa lớn xuất hiện ở khu vực miền Trung và miền Bắc Argentina vào cuối tuần qua.
Ngoài ra, theo BCR, các khu vực nông nghiệp chính của Argentina sẽ tiếp tục có mưa trong những ngày tới, làm gia tăng thêm lượng nước vốn đã dồi dào và vượt quá mức trung bình trong tháng 3. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này có khả năng đe dọa tiềm năng năng suất đậu tương bị thiệt hại, và ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch sắp tới.

Nguyên liệu công nghiệp

Khép lại phiên giao dịch 13/3, giá Arabica và giá Robusta suy yếu lần lượt 1,75% và 1,42%, đánh mất toàn bộ những gì đã tăng trước đó. Thị trường quay về phản ứng với triển vọng tích cực từ phía nguồn cung đã tạo áp lực lớn lên giá cà phê.
 
Cụ thể, tồn kho Arabica đã qua chứng nhận trên Sở ICE sau khi kết phiên 12/3 bật tăng 64.205 bao so với phiên hôm trước. Mức tăng này đã kéo tổng số bao cà phê đạt chuẩn lên mức 450.727 bao, tiến về ngưỡng cao nhất trong vòng 5 tháng rưỡi.
 
Cùng với đó, những tín hiệu tích cực về tình hình xuất khẩu tại Brazil cũng góp phần củng cố nguồn cung trên thị trường. Theo số liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), lượng Arabica xuất đi trong tháng 2 của nước này tăng 36,5% so với tháng 2/2023, lên 2,81 triệu bao.
 
Với Robusta, tồn kho trên Sở ICE-EU liên tục cải thiện trong 4 phiên gần đây là yếu tố đè nặng lên giá. Kết phiên 12/3, tồn kho Robusta trên sở ICE tiếp tục được bổ sung thêm 760 tấn, lên mức 25.470 tấn.
 
Giá bông đánh mất 0,35% trước những tín hiệu tín cực từ dữ liệu tồn kho. Theo báo cáo tồn kho từ Sở ICE-US, tính đến ngày 13/3, lượng bông lưu trữ tại đây tăng thêm 5.432 kiện so với ngày 12/3, lên mức 26.665 kiện.
 
Ở chiều ngược lại, giá đường 11 hồi phục 0,18% trong phiên hôm qua nhờ lực kéo của giá dầu thô trong khung giờ đường đang giao dịch. Theo đó, giá dầu thô tăng 2,78% đã thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil tăng cường sản xuất ethanol thay vì sản xuất đường. Nguyên liệu đầu vào hạn chế làm dấy lên lo ngại nguồn cung đường thắt chặt trong thời gian tới.
 
Bất chấp nhu cầu suy yếu, giá dầu cọ thô tăng 1,6%. Theo Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA), nhập khẩu dầu cọ tháng 2 của nước này giảm 36% so với tháng 1/2024, chỉ đạt mức 497.824 tấn. Con số này đã phản ánh mức nhập khẩu thấp nhất kể từ tháng 5/2023.

Kim loại

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, nhóm kim loại ghi nhận nhiều mặt hàng tăng giá mạnh, trong đó một số mặt hàng thiết lập các đỉnh cao đáng chú ý. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc bật tăng 3,12% lên 25,15 USD/ounce, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Bạch kim duy trì xu hướng tăng, chốt phiên ở đỉnh cao nhất 2 tháng qua với mức giá 944,9 USD/ounce sau khi tăng 1,80%. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới, bất chấp tín hiệu lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt chậm dần.

Dữ liệu lạm phát Mỹ tháng 2 mặc dù cao hơn kỳ vọng của thị trường, nhưng dường như không làm thay đổi suy đoán rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6. Công cụ theo dõi lãi suất FED watch của CME Group cho thấy không có sự biến động đáng kể nào trong ý kiến của các nhà đầu tư về thời điểm hạ lãi suất. Khoảng 56% vẫn cho rằng tiến trình sẽ bắt đầu vào tháng 6. ĐIều này đã thúc đẩy giá bạc và bạch kim phục hồi mạnh mẽ sau khi giảm trong phiên trước đó, do lãi suất thấp hơn khiến chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý bớt đắt đỏ hơn.

Lạm phát chi phí trú ẩn đã chậm lại, xuống còn 0,4% trong tháng 2 so với tháng trước so với tốc độ 0,6% trong tháng 1. Điều này củng cố sự hoài nghi rằng chỉ số cao của tháng Giêng trong danh mục đó là một sự bất thường do thay đổi trọng số.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến có phần phân hoá hơn. Đồng COMEX bất ngờ tăng vọt 3,26% lên 4,06 USD/pound. Đây là mức cao nhất trong vòng hơn 10 tháng qua. Bên cạnh sự hỗ trợ bởi kỳ vọng vĩ mô liên quan tới chu kỳ cắt giảm lãi suất, lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn cũng đã đẩy giá lên cao. Theo hãng tin Reuters, các nhà luyện đồng hàng đầu của Trung Quốc đã đồng ý cắt giảm sản lượng tại một số nhà máy thua lỗ để đối phó với tình trạng thiếu nguyên liệu thô.

Trong khi đó, quặng sắt giảm mạnh trở lại sau đà phục hồi phiên trước, với mức giảm hơn 3% trong bối cảnh tiêu thụ thép tại Trung Quốc ảm đạm và nền kinh tế nước này thiếu vắng các biện pháp kích thích mới.