Kết thúc tuần giao dịch 20/02 – 26/02, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê tiếp tục nối dài chuỗi tăng trước đó, tuy nhiên mức tăng có sự điều chỉnh khi Dollar Index mạnh lên.

Arabica có tuần giao dịch khá giằng co, đóng cửa giá tăng nhẹ hơn 1%. Một mặt, giá nhận được hỗ trợ từ việc hạn chế bán hàng của nông dân các nước xuất khẩu chính như Brazil và Colombia, cũng như việc điều chỉnh triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 Brazil từ 45.4 triệu bao xuống 42.3 triệu bao của Hedgepoint, giúp giá có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng. Mặt khác, Dollar Index tăng tuần thứ 4 liên tiếp với 1.30% đã thúc đẩy nhu cầu bán hàng từ phía nông dân Brazil, kết hợp với những điều chỉnh về mặt kỹ thuật khi đường RSI nằm sâu trong vùng quá mua, đã gây sức ép khiến giá không duy trì được mức tăng ban đầu.

Với mức tăng 2.53%, Robusta ghi nhận tuần tăng thứ 8 liên tiếp và giá có thời đểm đạt mức cao nhất kể từ 09/2022. Thị trường tiếp tục hấp thụ thông tin xuất khẩu suy yếu trong nửa đầu tháng 02 tại Việt Nam khi nông dân hạn chế bán hàng đã hỗ trợ giá nối tiếp đà tăng tuần trước. Tuy vậy, triển vọng nguồn cung dần trở nên tích cực hơn sau thông tin nông dân Indonesia đã bắt đầu thu hoạch và cung cấp cà phê ra thị trường, khiến giá chịu áp lực và kéo lực tăng nhẹ lại.

Sau 3 tuần giảm liên tiếp, giá bông trong tuần qua ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng 4.17%. Số liệu bán hàng ròng bông Mỹ trong tuần kết thúc ngày 16/02 bật tăng mạnh 96% so với tuần trước lên mức 425,300 kiện và lực tăng chủ yếu đến từ các nước nhập khẩu chính như Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa và đã hỗ trợ cho giá bông. Cùng với đó, diện tích trồng bông năm 2023 của Mỹ theo báo cáo của USDA giảm mạnh 21% so với năm 2022, xuống còn 10.9 triệu mẫu Anh, điều này đưa đến lo ngại thu hẹp nguồn cung trong tương lai, từ đó góp phần khiến giá bật tăng.

Giống với phần đa các mặt hàng trong nhóm, dầu cũng ghi nhận sắc xanh trong tuần qua, đóng cửa giá tăng 1.72%, là tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Đà tăng của mặt hàng này được củng cố bởi những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu được cải thiện. Theo đó, chính sách hạn chế xuất khẩu của Indonesia một phần mang đến lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung trên phạm vi rộng khi đây là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, phần khác lại là cơ hội để Malaysia đẩy mạnh việc bán hàng ra ngoài, từ đó hỗ trợ giá tăng trong tuần qua.

Ở chiều ngược lại, đường thô ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm 0.66%. Ban đầu, giá vẫn được hỗ trợ bởi những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung khi Ấn Độ phải tạm dừng sản xuất sớm do vụ mía bị thiệt hại bởi thời tiết. Tuy vậy, đến cuối tuần, triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Brazil đã đưa đến kỳ vọng sẽ bù đắp những thiếu hụt do Ấn Độ gây ra, từ đó gây sức ép khiến giá phiên cuối tuần giảm sâu và kéo theo giá cả tuần suy yếu.