Kết thúc tuần giao dịch 21/11 – 27/11, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận sự phân hóa giữa 2 sắc xanh và đỏ. Đáng chú ý khi cả 2 mặt hàng cà phê đều có tuần bật tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó do những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung.

Những áp lực về việc thiếu hụt nguồn cung cà phê tại các nước cung ứng hàng đầu thế giới, giúp 2 mặt hàng cà phê đồng loạt khởi sắc với mức tăng lần lượt, 6.42% với Arabica và 2.54% với Robusta.

Mới đây, chi nhánh của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Brazil và Colombia đều đưa ra ước tính mới về nguồn cung cà phê niên vụ 2022/2023. Theo đó, sản lượng cà phê tại Brazil sẽ giảm 1.7 triệu bao so với ước tính trước đó, kéo theo xuất khẩu cũng giảm 2.4 triệu bao và Colombia cũng ghi nhận mức giảm của sản lượng và xuất khẩu lần lượt là 3.1% và 2.3% so với dự đoán trong báo cáo trước. Cùng với đó, Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất tại Brazil cho biết các cánh đồng cà phê họ đang quản lý không đưa lại kết quả tốt như những gì thị trường đang kỳ vọng, sản lượng có thể chỉ ngang bằng với 2 năm trước. Điều này khiến thị trường tỏ ra nghi ngại với dự đoán về triển vọng tích cực trước đó, góp phần khiến giá tăng mạnh.

Về phía Robusta, việc thu hoạch và sấy khô hạt cà phê bị ảnh hưởng do mưa diễn ra tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam trong tuần vừa rồi có thể khiến việc xuất khẩu bị chậm lại. Điều này khiến thị trường trở nên lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá cà phê đảo chiều tăng trong tuần qua.

Cùng chung xu hướng tăng với cà phê, dầu cọ thô trong tuần qua ghi nhận mức tăng 7.53% nhờ số liệu xuất khẩu tích cực tại Malaysia. Theo công ty giám định độc lập Amspec Agri, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 25 ngày đầu tháng 11 đạt 1.2 triệu tấn, tăng 4.7% so với mức 1.15 triệu tấn cùng kỳ tháng trước. Bên cạnh đó, theo công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services (ITS), Malaysia đã xuất khẩu 1.27 triệu tấn sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 11, tăng 12.9 % so với mức 1.13 triệu tấn cùng kỳ tháng 10.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu tiêu thụ suy yếu tiếp tục là nhân tố khiến giá bông có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Theo báo cáo xuất khẩu bán hàng của USDA, bán hàng ròng của bông Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/11 đã giảm mạnh 116,400 kiện, phản ánh thực trạng nhu cầu tiêu thụ đang trên đà giảm trong bối cạnh suy thoái kinh tế cận kề và dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Trong khi nguồn cung trở nên tích cực hơn với tiến độ thu hoạch cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái cũng như trung bình 05 năm và sản lượng được dự báo tăng nhẹ so với dự đoán trước đó. Chính những thông tin này đã kéo giá bông giảm 4.30% trong tuần qua.

Đường 11 cũng ghi nhận mức giảm gần 4% sau 3 tuần tăng liên tiếp trước đó. Nguồn cung được nới lỏng là nguyên nhân chính khiến giá suy yếu. Theo đó, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới đã mở rộng hạn ngạch xuất khẩu đường thêm 2-4 triệu tấn. Về phía Brazil, thị trường cũng đang dự đoán một mùa vụ mía đường lớn hơn tại quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới trong niên vụ tới, sản lượng mía có thể giao động từ 570 – 600 triệu tấn, kéo theo sản lượng đường cũng gia tăng.

Công Ty Cổ Phần Giao Dịch Hàng Hóa SCE

Thành viên kinh doanh chính thức của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam – MXV

Địa chỉ: 38 Hoa Sứ, Phường 2, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Facebook: https://www.facebook.com/sce.mxv/

 Hotline: 0917 261 066