Khép lại phiên giao dịch 29/2, giá hai mặt hàng cà phê khởi sắc và lấy lại những gì đã mất trong phiên hôm trước. Trong đó, giá Robusta dẫn đầu đà tăng với 1,68%

Nguyên liệu công nghiệp

Khép lại phiên giao dịch 29/2, giá hai mặt hàng cà phê khởi sắc và lấy lại những gì đã mất trong phiên hôm trước. Trong đó, giá Robusta dẫn đầu đà tăng với 1,68%Số liệu xuất khẩu ảm đạm tại Indonesia, cùng tồn kho trên Sở ICE ở mức thấp, là những yếu tố chính đã thúc đẩy đà tăng của giá cà phê.
 
Theo dữ liệu từ chính phủ Indonesia, xuất khẩu cà phê Sumatra Robusta trong tháng 1/2024 của nước này đạt 3.192,28 tấn, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn khó có thể xoá bỏ khi tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU quay đầu giảm nhẹ 10 tấn trong phiên 28/2, kéo tổng lượng cà phê đã qua chứng nhận tại Sở xuống 24.530 tấn.
 
Giá Arabica hồi 1,43% dưới hỗ trợ kỹ thuật, bất chấp sự cải thiện của dữ liệu tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE-US. Cụ thể, kết phiên 28/2, lượng cà phê đã qua chứng nhận trên Sở ICE tăng mạnh gần 9.000 bao, nâng tổng số cà phê đã qua chứng nhận tại đây lên 342.766 bao. Hơn nữa, lượng cà phê đang chờ phân loại vẫn ở mức cao với 148.747 bao, là dư lượng lớn để tồn kho tiếp tục mở rộng trong các phiên sau.
 
Chấm dứt chuỗi tăng ba phiên liên tiếp, giá bông quay đầu giảm 1,49% do lực bán chốt lời và phản ứng của thị trường trước doanh số bán bông kém tích cực tại Mỹ. Trong báo cáo xuất khẩu tuần kết thúc ngày 22/2, bán hàng bông của Mỹ trong niên vụ 23/24 chỉ đạt 40.000 kiện, giảm 69% và 83% so với tuần trước và trung bình 4 tuần. Doanh số bán bông Mỹ sụt giảm 4 tuần liên tiếp đã phản ánh nhu cầu quốc tế đối với mặt hàng này đang có dấu hiệu chững lại.
 
Giá đường 11 bất ngờ giảm mạnh 4,41%, đánh mất tất cả những gì đã tăng trong ba phiên trước đó. Những tín hiệu kém khả quan về triển vọng nguồn cung cũng không đủ để hạn chế lực giảm của giá. Tổ chức đường quốc tế (ISO) đã nâng dự báo thâm hụt đường toàn cầu trong niên vụ 23/24 lên 689.000 tấn. Sản lượng đường sụt giảm tại Thái Lan là nguyên nhân chính khiến nguồn cung đường toàn cầu thu hẹp.

Năng lượng

Giá dầu tiếp tục biến động với biên độ hẹp trong phiên giao dịch ngày 29/2, chốt phiên giảm nhẹ so với phiên trước đó. Mặc dù những lo ngại về nguồn cung vẫn còn tồn tại, nhưng các cuộc khảo sát phản ánh sự lạc quan của thị trường đối với sản lượng thực tế tại các nước lớn, đã gây sức ép cho giá dầu. Giá dầu WTI đã giảm 0,36% xuống 78,26 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,29% xuống 81,91 USD/thùng.
 
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã sản xuất 26,42 triệu thùng/ngày trong tháng 2, tăng 90.000 thùng/ngày so với tháng 1. Trong đó, sản lượng của Libya, quốc gia được miễn trừ tham gia cắt giảm sản lượng đã tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng trước. Điều này khiến thị trường nghi ngờ về ảnh hưởng thực tế của việc gia hạn cắt giảm sản lượng của nhóm, từ đó gây sức ép cho giá dầu trong phiên. Hơn nữa, nguồn cung tại Mỹ duy trì ở mức đỉnh 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần qua, cũng góp phần xoa dịu tâm lý thị trường.
 
Cũng theo khảo sát tháng 2 từ Reuters, các nhà phân tích ít lạc quan hơn về giá dầu, với nguồn cung dồi dào giữ giá gần 80 USD/thùng trong năm nay, với điều kiện xung đột ở Trung Đông chỉ có tác động khiêm tốn đến dòng chảy dầu.
 
Cụ thể, có 40 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 81,13 USD/thùng vào năm 2024, giảm nhẹ so với mức 81,44 USD theo dự báo vào tháng 1. Dự báo giá dầu WTI cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn 76,54 USD/thùng, từ mức 77,26 USD/thùng theo dự báo của tháng trước.

Nông sản

Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 2, các mặt hàng nông sản diễn biến rung lắc và đồng loạt đóng cửa với mức biến động không đáng kể, dưới 1%. Giá đậu tương tiếp tục biến động giằng co, và là mặt hàng duy nhất đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, giá ngô và lúa mì ghi nhận mức tăng nhẹ, chủ yếu là nhờ số liệu bán hàng tương đối khả quan trong báo cáo Export Sales tối qua.

Cụ thể, USDA cho biết, trong tuần 16-22/2, Mỹ đã bán được 1,08 triệu tấn ngô niên vụ 23/24, tăng 31,9% so với báo cáo trước và cao hơn mức dự đoán trung bình của thị trường là 900.000 tấn. Tính từ đầu niên vụ, lũy kế bán hàng ngô của Mỹ đã vượt trên 30% so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung từ Mỹ vẫn đang ở mức cao. Trong khi đó, kết quả bán lúa mì của Mỹ trong tuần đánh giá cũng cải thiện hơn 40% so với tuần trước đó, hỗ trợ giá của mặt hàng này.

Tuy nhiên, Sở Kinh tế Nông thôn Deral mới đây đã điều chỉnh tăng nhẹ sản lượng ngô vụ 2 của Paraná lên 14,63 triệu tấn, cao hơn 3% so với niên vụ 22/23. Nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi trở lại, hỗ trợ cho cây trồng phát triển. Với vị thế là bang trồng ngô vụ 2 lớn thứ hai Brazil, sản lượng dồi dào hơn ở Paraná sẽ giúp củng cố triển vọng sản xuất của quốc gia Nam Mỹ này. Điều này đã gây áp lực nhẹ và kìm hãm đà tăng của giá ngô trong phiên vừa rồi.

Đối với đậu tương, Tiến sĩ Cordonnier, chuyên gia nông sản khu vực Nam Mỹ, cho biết diện tích gieo trồng thực tế của Mỹ có thể cao hơn mức 87,5 triệu mẫu mà USDA đưa ra trong diễn đàn Ag Outlook, nếu vụ xuân kết thúc sớm thúc đẩy tiến độ vụ hè. Triển vọng sản xuất tích cực hơn của Mỹ là yếu tố gây sức ép nhẹ đến giá CBOT.

Về mặt thương mại, doanh số bán đậu tương trong tuần16-22/2 của Mỹ đã tăng lên 159.725 tấn, từ mức 55.919 tấn trong tuần trước. Tuy nhiên con số này vẫn ở mức thấp so với dự đoán của thị trường, cho thấy đậu tương từ Mỹ đang gặp áp lực cạnh tranh đáng kể, đặc biệt là khi nguồn cung giá rẻ từ khu vực Nam Mỹ được tung ra thị trường sớm hơn trong năm nay.

Kim loại

Kết thúc ngày giao dịch 29/2, sắc xanh áp đảo trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc trải qua một phiên giao dịch khởi sắc khi bật tăng 1,1% lên 22,88 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim suy yếu 0,69% về 879 USD/ounce. Yếu tố chính hỗ trợ cho giá bạc trong phiên hôm qua là sự suy yếu của đồng bạc xanh.

Ngay từ phiên sáng, đồng USD đã chịu áp lực bởi sự chèn ép của đồng yên Nhật. Đồng yên đón nhận lực mua rất tích cực bởi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ sớm chấm dứt chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Dữ liệu hôm qua đã chỉ ra lạm phát tại Nhật Bản cao hơn dự báo, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) trong tháng 1/2024 tăng 2,6% so với cùng kỳ, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo.

Tới phiên tối, đồng USD tiếp tục suy yếu sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát phù hợp với dự báo. Cụ thể, theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tháng 1/2024 của Mỹ tăng 2,8% so với cùng kỳ. Con số này phù hợp với dự báo và là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 3/2021. Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số PCE lõi tháng 1 tăng 0,4%, đồng thuận với dự báo của giới phân tích.

Tuy vậy, giá bạch kim vẫn kết phiên giảm nhẹ do tâm lý thị trường trở nên bi quan sau khi công ty khai thác đầu ngành cảnh báo giá bạch kim khó cải thiện mạnh mẽ trong năm nay. Impala Platinum dự báo năm 2024 sẽ là một năm khó khăn đối với bạch kim, do tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng kim loại quý yếu kém khi bất ổn kinh tế và địa chính trị kéo dài.

Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng biến động khá trái chiều nhưng phần lớn đều tăng giá. Giá đồng COMEX phục hồi 0,17% lên 3,84 USD/pound. Giá quặng sắt chốt phiên tại mức 116,499 USD/tấn nhờ tăng 0,41%.
Cả giá đồng và giá quặng sắt đều được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan của thị trường trước thềm Trung Quốc bước vào cuộc họp quan trọng vào tuần sau. Các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng rằng các hoạch định chính sách sẽ tiếp tục ban hành các chính sách kích thích kinh tế để khôi phục nền kinh tế trong năm nay.

Bên cạnh đó, việc đồng USD gặp sức ép cũng giúp hỗ trợ giá kim loại cơ bản, do chi phí giao dịch và đầu tư giảm