Kết thúc ngày giao dịch 27/2, giá dầu tiếp tục đà tăng, với dầu WTI lên mức cao nhất trong 1 tháng qua trong bối cảnh thị trường lo ngại về vấn đề nguồn cung thắt chặt.

Năng lượng

Kết thúc ngày giao dịch 27/2, giá dầu tiếp tục đà tăng, với dầu WTI lên mức cao nhất trong 1 tháng qua trong bối cảnh thị trường lo ngại về vấn đề nguồn cung thắt chặt. Chốt phiên, dầu WTI tăng 1,66% lên 78,87 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,21% lên 82,66 USD/thùng.

Thông tin đáng chú ý nhất trong ngày hôm qua đó là việc Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 1/3. Phó Thủ tướng Alexander Novak trước đó đã trình bày với thủ tướng đề xuất đưa ra lệnh cấm tạm thời. Trong một bức thư ngày 21/2, ông lưu ý rằng nhu cầu nhiên liệu theo mùa sẽ sớm tăng ở thị trường nội địa. Động thái này được cho là để bình ổn giá xăng tại Nga trong bối cảnh tiêu thụ phục hồi và các nhà máy lọc dầu tiến hành bảo trì.

Việc ưu tiên cho lọc dầu tại Nga sẽ hạn chế nguồn cung ra ngoài thị trường, từ đó góp phần thúc đẩy lực mua trong phiên.

Ngoài ra, theo ba nguồn tin từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nói với hãng tin Reuters, OPEC+ sẽ xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sang quý II. Tháng 11 năm ngoái, tổ chức này đã đồng ý cắt giảm tự nguyện tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên năm nay, dẫn đầu là Saudi Arabia với 1 triệu thùng/ngày.

Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, cho biết OPEC đang tìm kiếm mức giá giữa 80 USD, có thể là khoảng 85 USD/thùng đối với dầu Brent. Nếu giá dầu ở dưới mức đó, họ sẽ cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm.

Các vấn đề trên vẫn chưa được OPEC+ thảo luận chính thức, nhưng tâm lý lo ngại nguồn cung eo hẹp hơn trong khi nhu cầu dự kiến sẽ dần phục hồi khi mùa đông qua đi đã đẩy giá dầu tăng cao.
Cũng hỗ trợ giá từ phía nguồn cung, Israel và Hamas, cũng như các nhà hòa giải Qatar, đều đưa ra những lưu ý thận trọng về tiến trình hướng tới thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Trong khi đó, người phát ngôn của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết các hoạt động của nhóm ở Biển Đỏ sẽ chỉ dừng lại khi “sự xâm lược” của Israel nhằm vào Gaza chấm dứt. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi đã làm tăng chi phí vận chuyển các sản phẩm năng lượng và góp phần tạo ra một thị trường thắt chặt hơn.

Nông sản

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/2, các mặt hàng nông sản diễn biến tương đối trái chiều. Trong khi hai mặt hàng ngũ cốc tiếp tục nối dài đà hồi phục từ phiên đầu tuần, giá đậu tương biến động rung lắc và kết phiên trong sắc đỏ.

ANEC dự báo Brazil sẽ xuất khẩu 8,5 triệu tấn đậu tương trong tháng 2, tăng so với mức 7,3 triệu tấn ước tính trước. Con số này cũng cao hơn mức 7,55 triệu tấn trong năm 2023 và mức 2,40 triệu tấn trong tháng trước, cho thấy nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đang dần được đẩy mạnh, tạo áp lực lên giá đậu tương CBOT.

Ngược lại, sự xuất hiện của đơn hàng Daily Export Sales cho biết Mỹ đã bán 123.000 tấn đậu tương niên vụ 2023/24 cho một nước giấu tên lại là yếu tố giúp thu hẹp đà giảm của giá, khi phản ánh nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung Mỹ vẫn ở mức tốt. Kết phiên, giá đậu tương ghi nhận mức giảm nhẹ, chỉ 0,39%.

Đối với ngô, Secex cho biết, Brazil chỉ xuất khẩu 1,68 triệu tấn ngô trong 4 tuần đầu tiên của tháng 2, tương đương 1.860 tấn/ngày, giảm 11,5% so với mức trung bình của cả tháng 2/2023. Những con số này cho thấy các lô hàng ngô từ Brazil, quốc gia cạnh tranh lớn của Mỹ trên thị trường xuất khẩu toàn cầu, đã tạm thời chững lại. Đây là tín hiệu tích cực cho nguồn cung ngô từ Mỹ có cơ hội giành thêm thị phần, và hỗ trợ giá CBOT.

Ngược lại, áp lực cạnh tranh từ Ukraine lại là yếu tố gây sức ép đến giá và kìm hãm đà hồi phục của ngôi. Cụ thể, theo Reuters, Trung Quốc được cho là đã mua một khối lượng lớn ngô của Ukraine trong tuần qua, nhằm sử dụng cho nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngô từ Ukraine có mức giá rẻ nhất thế giới là nguyên nhân chính thúc đẩy nhu cầu từ quốc gia nhập khẩu ngô số 1 toàn cầu này.
Giá lúa mì ghi nhận mức hồi phục mạnh 1,65%. Bên cạnh lực mua kỹ thuật, những số liệu xuất khẩu khả quan của Mỹ trong báo cáo Export Inspections tuần này vẫn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ nhẹ đến giá trong phiên vừa rồi. Ngoài ra, SovEcon cho biết, trong tuần vừa rồi, Nga đã xuất khẩu 0,87 triệu tấn lúa mì, giảm so với mức 1,12 triệu tấn của một tuần trước đó. Với vị thế là quốc gia cung cấp lúa mì lớn nhất toàn cầu, điều này có thể gây ra thiếu hụt nguồn cung lúa mì trong ngắn hạn, đồng thời hỗ trợ nhẹ tới giá.

Nguyên liệu công nghiệp

Khép lại phiên giao dịch 27/2, giá Arabica hồi 1,92%, lấy lại những gì đã mất trong phiên hôm trước và giá Robusta cao hơn 1,89% so với tham chiếu. Tỷ giá USD/BRL giảm, gây tâm lý hạn chế bán hàng ở nông dân Brazil, từ đó thúc đẩy giá tăng.

Đồng Real nội địa của Brazil tăng mạnh trong phiên tối, kéo theo tỷ giá USD/BRL mất 0,93%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống gây ra tâm lý hạn chế bán cà phê do thu về ít ngoại tệ hơn của nông dân Brazil.

Với Robusta, đường RSI vượt qua vùng quá bán khiến giá mặt hàng này đảo chiều hồi phục, bất chấp dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-EU có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, tồn kho Robusta trên sở ICE kết phiên 26/2 được bổ sung thêm 1.250 tấn, nâng tổng lượng cà phê lưu trữ tại đây lên mức 24.090 tấn.

Giá bông dẫn đầu đà tăng với 4,22% và chạm giới hạn, bất chấp sự giằng co của đồng USD trong khung thời gian bông đang giao dịch. Theo lý thuyết, đồng USD yếu đi sẽ khiến giá bông Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng nắm giữ loại tiền tệ khác, từ đó thúc đẩy lực mua trên thị trường.

Giá đường 11 tăng 2,35% nhờ lực kéo của giá dầu thô, bên cạnh tín hiệu kém khả quan về triển vọng mùa vụ Brazil. Theo đó, giá dầu thô tăng 1,66% đã thúc đẩy nhu cầu sản xuất ethanol từ mía của các nhà máy tại Brazil. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đường đi xuống có thể khiến nguồn cung tại nước này thặt chặt hơn.

Giá dầu cọ tăng 1,6% trong bối cảnh số liệu xuất khẩu giảm tại Malaysia. Dữ liệu từ các nhà khảo sát Intertek testing Services và AmSpec Agri Malaysia cho thấy xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 25 ngày đầu tháng 2 ước tính giảm lần lượt 10,7% và 14,3% so với cùng kỳ tháng trước.

Kim loại

Kết thúc ngày giao dịch 27/2, hầu hết các mặt hàng kim loại đều tăng giá tuy nhiên các mức tăng khá hạn chế. Đối với kim loại quý, sau phiên giảm mạnh trước đó, giá bạc và giá bạch kim đều phục hồi nhẹ trong phiên hôm qua. Giá bạch kim tăng 1,8% lên 897 USD/ounce trong khi giá bạc chỉ nhích nhẹ 0,1% lên 22,76 USD/ounce.

Đồng USD chịu áp lực giảm giá trong phiên hôm qua là yếu tố chính hỗ trợ cho giá kim loại quý phục hồi trong sắc xanh. Trong phiên sáng, chỉ số chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, suy yếu do sự mạnh lên của đồng yên Nhật. Đồng tiền này đón nhận lực mua tích cực sau khi Nhật Bản công bố số liệu lạm phát tăng vượt dự kiến và tiếp tục duy trì ở mức mục tiêu 2%, củng cố cho kỳ vọng Nhân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm vào tháng 4. Cụ thể, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) lõi trong tháng 1/2024 của Nhật Bản tăng 2% so với cùng kỳ, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.

Tới phiên tối, đồng bạc xanh tiếp tục gặp áp lực sau khi Mỹ công bố số liệu niềm tin người tiêu dùng suy yếu. Cụ thể, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 2của Mỹ do Conference Board khảo sát đã giảm xuống 106,7 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 114,8 điểm theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức 110,9 điểm bị điều chỉnh giảm của tháng 1.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp, chốt phiên tại mức 8,48 USD/pound sau khi tăng 0,42%. Giá quặng sắt cũng tăng 1,81% lên 117,52 USD/ounce. Đồng USD chịu áp lực giảm giá cũng là yếu tố hỗ trợ cho nhóm kim loại cơ bản. Hơn nữa, cả giá đồng và giá quặng sắt đều tăng nhờ kỳ vọng rằng Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu, sẽ ban hành nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa trong cuộc họp quốc hội thường niên (NPC) vào tuần tới.

Bên cạnh đó, đối với quặng sắt, việc Ấn Độ, quốc gia sản xuất quặng sắt lớn thứ tư thế giới, xem xét thuế xuất khẩu quặng sắt làm gia tăng rủi ro nguồn cung cũng giúp hỗ trợ giá tăng trong phiên hôm qua.

Cụ thể, theo Reuters, Ấn Độ đang xem xét thuế xuất khẩu quặng sắt chất lượng thấp sau khi các nhà sản xuất thép nhỏ kêu gọi chính phủ hạn chế bán hàng ra nước ngoài. Trung Quốc chiếm hơn 90% tổng sản lượng quặng sắt xuất khẩu của Ấn Độ.