Kết thúc phiên 02/03, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá của nhóm kim loại. Giá vàng và giá bạc giảm về lần lượt 1836 USD/ounce và 20.90 USD/ounce, trái lại, giá bạch kim tăng 0.15% lên 963 USD/ounce.

Đồng bạc xanh tăng khiến cho chi phí nắm giữ và đầu tư các mặt hàng kim loại quý cũng cao hơn và hạn chế sức mua. Bên cạnh đó, vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý cũng có phần thất thế trước đồng USD. Tại khu vực châu Âu, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh hơn dự báo, và củng cố thêm kỳ vọng tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)

Một yếu tố khác cũng gây sức ép lên thị trường kim loại quý là việc dòng tiền quay trở lại với thị trường chứng khoán Mỹ khi cả ba chỉ số S&P500, Nasdaq và Dow Jones đều tăng trở lại. Tuy nhiên, bạch kim là kim loại quý duy nhất duy trì được sắc xanh và đã tăng bốn phiên liên tiếp, trong bối cảnh tình trạng mất điện ở Nam Phi khiến cho sản lượng bạch kim của nước này sụt giảm.

Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng trải qua một phiên giảm mạnh, và lấy đi toàn bộ mức tăng của phiên 01/03, giá giảm 2.02% về 4.07 USD/pound. Bên cạnh những rủi ro về lãi suất, sức bán trên thị trường được gia tăng khi mà các nhà đầu tư thận trọng trước kỳ họp quan trọng của Quốc hội Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang lo lắng về việc Chính phủ nước này sẽ có những thay đổi lớn về chính sách và vẫn chưa hoàn toàn hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế.

Các nhà phân tích đang dự đoán Trung Quốc sẽ Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5.5% – 6% trong năm nay, với lĩnh vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là động lực tăng trưởng lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2023, sau tiêu dùng. Tuy nhiên, vì những yếu tố hỗ trợ giá đồng chỉ mang tính kỳ vọng và chưa có cơ sở chắc chắn nào, nên giá đồng không giữ được đà tăng trong phiên hôm qua.

Giá sắt duy trì được sắc xanh với mức tăng 0.22% lên 126.37 USD/tấn. Quặng sắt vẫn là kim loại được tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường Trung Quốc, và triển vọng tiêu thụ cũng sáng nhất trong nhóm kim loại. Những lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt bởi việc các nhà chức trách sẽ hạn chế các hoạt động sản xuất thép để giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường là một trong những lý do giúp giá quặng sắt luôn neo ở mức cao.