Để giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà đầu tư Nghệ An hiểu rõ hơn về giao dịch hàng hoá – một kênh đầu tư có nhiều cơ hội nhưng lại chưa được nhiều người biết đến, sáng 29/7, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Giao dịch hàng hoá tại Việt Nam – Cơ hội, tiềm năng và thách thức đối với Nghệ An”.

Đồng chủ trì hội thảo có :

  • Ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
  • Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam
  • Ông Trần Văn Bình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao dịch hàng hoá SCE.

Thị trường giao dịch hàng hoá Việt Nam được tổ chức và quản lý bởi Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam, do Bộ Công Thương cấp phép, thực hiện kết nối liên thông với các Sở Giao dịch hàng hoá nước ngoài, cung cấp công cụ cho các nhà đầu tư thực hiện giao dịch.

Nếu trước đây, giao dịch hàng hoá được thực hiện trên phương diện vật lý, thì hiện nay, hầu hết hoạt động mua bán hàng hoá được thực hiện trực tuyến. Phương thức giao dịch hàng hoá này sẽ cung cấp các dịch vụ liên kết chuỗi giá trị sản phẩm (nông dân- nhà sản xuất, chế biến- nhà cung cấp- nhà đầu tư và ngân hàng), thúc đẩy các hoạt động giao thương trở nên nhanh chóng, thuận lợi và là công cụ để bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào của các nhà sản xuất.

Đây được coi là kênh đầu tư tài chính còn mới, nhiều cơ hội, tiềm năng và cũng là thách thức cho các nhà đầu tư, các nhà sản xuất hàng hoá tại Việt Nam.

Ra đời năm 2010, Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam hoạt động hợp tác dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, phương pháp quản trị mới; phát triển những sản phẩm chiến lược và chủ lực của đất nước như gạo, xăng dầu. Từ 2018, với Nghị định số 51/2018 của Chính phủ, hoạt động của Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam đa dạng mặt hàng hơn, tính thanh khoản cao hơn, mở rộng hợp tác với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Dự kiến sắp tới công ty sẽ mở chi nhánh chính thức tại Nghệ An.

Hoạt động của Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam tập trung vào những ngành hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Các mặt hàng giao dịch tại đây được chia làm 4 nhóm: Nông sản (đậu tương, gạo thô, ngô..); nguyên liệu công nghiệp (bông, cà phê, cao su, ca cao, đường…); kim loại (bạch kim, đồng, bạc…) và năng lượng (dầu thô, khí tự nhiên, xăng pha chế..).

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Thành nhấn mạnh: Không chỉ là kênh tham chiếu giá cả hiệu quả để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh; mà giao dịch hàng hoá còn là kênh đầu tư tài chính khá mới và hấp dẫn, không chỉ với các doanh nghiệp mà còn với các nhà đầu tư cá nhân, thậm chí một số sản phẩm có thể đưa lên sàn để bán; khả năng thanh khoản cao.

Sắp tới, Nghệ An dự định sẽ đưa lên giới thiệu, giao dịch bán một số mặt hàng nông sản có lợi thế. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta phải có định hướng sản xuất lượng hàng hoá đủ lớn và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường”, ông Trần Quốc Thành chia sẻ.

Theo báo Nghệ An