Quay trở lại giao dịch sau phiên nghỉ lễ, lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường đậu tương. Giá tạo gapup lớn khi mở cửa và đà tăng vẫn tiếp tục được duy trì trong phiên tối khiến giá đậu tương ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Nông sản

bang gia nong san 2202

Khép lại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, ngô đã ghi nhận phiên thứ 2 liên tiếp tăng nhẹ. Sau khi tạo gapup nhỏ, giá đã duy trì đà tăng trước khi lao dốc vào đầu phiên tối. Lo ngại về nguồn cung tiếp tục là thông tin đã hỗ trợ giá.
 
Khác với ngô, lúa mì đã sụt giảm gần 2% và là mặt hàng duy nhất trong nhóm nông sản suy yếu. Mặc dù, tăng nhẹ trong phiên sáng, tuy nhiên, lực bán tại vùng 772 đã được đẩy mạnh và khiến giá duy trì đà giảm đến khi đóng cửa. Những số liệu không mấy khả quan về nhu cầu đối với lúa mì Mỹ là yếu tố đã khiến giá chịu sức ép.
 
Quay trở lại giao dịch sau phiên nghỉ lễ, lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường đậu tương. Giá tạo gapup lớn khi mở cửa và đà tăng vẫn tiếp tục được duy trì trong phiên tối khiến giá đậu tương ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. Trong bối cảnh thị trường không xuất hiện thêm yếu tố cơ bản mới, những số liệu cập nhật về tình trạng kém khả quan của mùa vụ ở Nam Mỹ đã khiến giá quay trở lại đà tăng sau tuần điều chỉnh trước đó.
 
Tương tự như đậu tương, giá khô đậu cũng bật tăng mạnh khi mở cửa nhưng thị trường diễn biến rung lắc hơn. Giá quay trở lại “fill gap” vào phiên tối do áp lực chốt lời tại vùng kháng cự tâm lí 500. Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung thắt chặt ở 2 quốc gia ép dầu lớn tại Nam Mỹ vẫn là yếu tố cơ bản đủ mạnh để giúp giá khô đậu vẫn đóng cửa phiên với mức tăng hơn 1% và giá dầu đậu quay trở lại mức cao nhất trong 1 tháng vừa qua.

Năng lượng

bang gia nang luong 2202

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/02, giá dầu suy yếu khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi thông tin từ Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào đêm nay, nhằm tìm kiếm thêm thông tin về lộ trình tăng lãi suất khi bài toán lạm phát đang là “điểm nóng” trở lại. Lo ngại về chi phí vay tăng cao gây áp lực tới nền kinh tế đã làm suy yếu giá dầu bất chấp một vài tín hiệu tích cực về nhu cầu tại các thị trường châu Á. Giá dầu WTI giảm nhẹ 0.25% xuống 76.36 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 1.21% xuống mức 82.77 USD/thùng.

Trọng tâm trên thị trường tài chính nói chung vẫn đang hướng về kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed. Hôm qua, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs Group trong một cuộc phỏng vấn với Bloomber cho biết nhiều khả năng 75 điểm cơ bản sẽ được bổ sung trong tổng cộng 3 cuộc họp tiếp theo của Fed và sẽ chưa có sự cắt giảm lãi suất nào trong năm nay, nhằm nỗ lực đưa lạm phát về mức mục tiêu. Điều đó có thể đưa mức lãi suất lên mức đỉnh khoảng 5.25 – 5.5%. Trước đó, các quan chức Fed cũng bày tỏ động thái cứng rắn liên quan tới vấn đề thắt chặt tiền tệ, thậm chí còn ủng hộ mức tăng 50 điểm cơ bản trong kỳ họp cuối tháng 3. Điều này đã gây sức ép tới giá dầu ngay từ phiên mở cửa buổi sáng.

Giá dầu chỉ lấy lại một chút động lực tăng sau khi các cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh tốt hơn mong đợi ở châu Âu và Anh cho thấy triển vọng kinh tế ít ảm đạm hơn so với lo ngại trước đây. Chỉ số quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) của S&P Global cho 20 quốc gia sử dụng đồng Euro, được coi là thước đo tốt về sức khỏe kinh tế chung của khối, đã tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng là 52.3 vào tháng 2 từ mức 50.3 của tháng 1.

Tuy nhiên, lực bán nhanh chóng quay trở lại trong phiên tối khi thị trường tài chính Mỹ hoạt động sôi nổi, với tâm lý lo ngại về chi phí vay tăng cao. Điều đó đã thúc đẩy xu hướng nắm giữ đồng USD có tính thanh khoản cao, đẩy chỉ số Dollar Index tăng 0.31% lên 104.18 điểm, từ đó liên tục gây áp lực cho giá dầu.

Ngoài ra, dòng chảy các sản phẩm dầu từ Nga kể từ sau lệnh cấm vận của phương Tây chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng, cũng hạn chế nỗ lực phục hồi của giá dầu. Trong nửa đầu tháng Hai, các lô hàng nhiên liệu như diesel từ các cảng của Nga đạt trung bình hơn 1 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ so với tháng 1, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình hàng ngày năm 2022.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đã khiến cho giá dầu diesel của Nga có giá thấp hơn khoảng 35 USD/thùng so với các nguồn khác, đạt khoảng 72.4 USD/thùng. Ngoài ra, với tỷ lệ các nhà máy lọc dầu của Nga cao hơn và lượng dầu thô thấp hơn trong những tháng tới, xuất khẩu dầu diesel của nước này dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.

Nguyên liệu

bang gia nguyen lieu 2202

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/02, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi Arabica tiếp tục bật tăng mạnh khi nhu cầu đẩy hàng của nông dân vẫn yếu.

Arabica ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng mạnh 2.21% trước sức ép giá tăng vọt trên thị trường vật chất các nước cung ứng chính khi nông dân hạn chế bán hàng. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), trong 20 ngày đầu tháng 02 nước này đã đẩy 1.30 triệu bao Arabica, giảm mạnh 30.48% so với mức 1.87 triệu bao của cùng kỳ tháng trước. Điều này làm gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá tăng mạnh trong phiên hôm qua.

Nhờ hỗ trợ từ Arabica, Robusta tăng 0.76 % khi kết thúc phiên hôm qua. Số liệu xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 02 tại Việt Nam suy yếu gần 2% so với cùng kỳ tháng trước đã hỗ trợ giá duy trì được sự khởi sắc. Tuy vậy, tồn kho Robusta trên Sở ICE London nối tiếp đà tăng lên mức 63,540 tấn, đã phần nào gây sức ép khiến mức tăng bị điều chỉnh nhẹ lại.

Bông tăng nhẹ 0.04% trong phiên hôm qua sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó. Lực mua có thời điểm áp đảo trên thị trường sau thông tin Trung Quốc nhập khẩu lượng bông lớn từ Úc trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu không chính thức bông Úc sang Trung Quốc có thể được dỡ bỏ khi căng thẳng ngoại giao đã dịu bớt.

Đường thô có phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0.66% khi kết thúc phiên hôm qua. Những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại Ấn Độ tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn dắt sự khởi sắc của giá đường. Theo đó, việc mía chín sớm, kết hợp với trọng lượng giảm đã gây ra tâm lý lo ngại sản lượng sẽ sụt giảm mạnh và kéo theo nguồn cung toàn cầu suy yếu khi Ấn Độ là quốc gia sản xuất lớn thứ 2 thế giới. Hơn nữa, Alvean, nhà kinh doanh đường hàng đầu thế giới cũng đưa ra nhận định sản lượng tại Ấn Độ chỉ đạt 33.5 triệu tấn, giảm so với khoảng 34.0-34.3 triệu tấn được đưa ra vào tháng trước, cũng góp phần hỗ trợ giá tăng.

Dầu cọ quay đầu suy yếu trong phiên hôm qua với giảm 0.62%. Với việc giá liên tục tăng trong ba phiên trước đó, động lực tăng đến từ tình hình xuất khẩu tích cực của Malaysia trong tháng 02 đã yếu dần và áp lực bán chốt lời của các nhà đầu tư chiếm ưu thế hơn trong phiên hôm nay và giá dầu cọ đóng cửa với mức giảm 0.62%. Công ty khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) ước tính, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 02 của Malaysia đạt 712,740 tấn, tăng 8.8% so với mức 653,888 tấn cùng kỳ tháng trước.

Kim Loại

bang gia kim loai 2202

Sắc xanh được duy trì ở thị trường kim loại quý trong phiên giao địch dầu tiên mà thị trường Mỹ mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Kết thúc phiên 21/02, giá bạc tăng 0.81% lên 21.89 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 2.95% lên 948.6 USD/ounce.

Phần lớn các loại hàng hóa đều chịu sức ép trước đà hồi phục của đồng USD trong phiên hôm qua, nhưng giá bạc và bạch kim lại hồi phục khá tích cực. Chỉ số Dollar Index tăng lên 104.18 điểm trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại hơn về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3 sắp tới. Hiện có 25.5% xác suất cho kịch bản này, cao hơn gần 3 lần so với mức 9% vào cuối tuần trước.

Tin tức này đã khiến cho các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử suy yếu, nhưng lại là yếu tố hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim. Cả ba chỉ số chính của Mỹ là S&P500, Nasdaq và Dow Jones đều giảm hơn 2%, đáng chú ý chỉ số Dow Jones giảm hơn 700 điểm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh trong phiên hôm qua, phản ánh quan điểm cho rằng Fed vẫn chưa hoàn tất việc nâng lãi suất. Lợi suất cho kỳ hạn 10 năm tăng lên 3.96%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 đến nay.

Ngoài các yếu tố liên thị trường, xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục có nguy cơ leo thang trong năm nay, khiến cho tâm lý e ngại rủi ro lại tăng lên. Thước do nỗi sợ của thị trường, chỉ số VIX, tăng mạnh lên 22.88 điểm mức cao nhất trong vòng 8 tuần. Vì thế, đà tăng của giá bạc và bạch kim được thúc đẩy nhờ việc dòng tiền dịch chuyển từ các loại tài sản rủi ro sang các loại tài sản có tính trú ẩn an toàn.

Giá đồng tiếp tục nối dài đà tăng phiên thứ 3 liến tiếp lên 4.23 USD/pound, mức cao nhất trong vòng ba tuần. Sức mua tiếp tục được thúc đẩy nhờ sự lạc quan của các nhà đầu tư về triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc, trong bối cảnh khả năng gia tăng nguồn cung của các nhà sản xuất lớn đều không cao. Trong khi sản lượng của nhà xuất khẩu số một thế giới, Chile, khó tăng trưởng mạnh do chất lượng quặng giảm sút, thì hoạt động sản xuất của Peru, nhà xuất khẩu số hai thế giới, liên tục gặp gián đoạn vì các cuộc biểu tình.

Dự trữ đồng trên hai Sở COMEX và Sở LME tiếp tục giảm về lần lượt là 65,225 tấn và 21654 tấn. Tồn kho trên Sở Thượng Hải tăng nhẹ lên 133,809 tấn. Tuy nhiên, mức dự trữ này vẫn rất khiêm tốn so với nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của Trung Quốc.

Ngoài những lo ngại về nguồn cung, các chỉ số Quản lý thu mua (PMI) của Mỹ được dự báo sẽ hồi phục tích cực trong tháng 2. Các ước tính cho thấy chỉ số PMI sản xuất tăng từ 46.9 lên 47.8 điểm, còn chỉ số PMI dịch vụ tăng mạnh từ 46.8 điểm lên 50.5 điểm. Những tin tức này củng cố triển vọng tiêu thụ đối với đồng khiến cho giá duy trì được sắc xanh bất chấp những lo ngại về việc Fed mạnh tay tăng lãi suất.

Cũng như giá đồng, giá quặng sắt tăng 2.06% lên 131.06 USD/tấn nhờ triển vọng tiêu thụ sáng sủa của Trung Quốc. Công ty khai khoáng hàng đầu thế giới, BHP, kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia này sẽ tăng trưởng mạnh và ổn định khi các nhà chức trách tìm cách khôi phục lĩnh vực bất động sản