Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ ở phiên giao dịch đầu tiên sau đợt nghỉ lễ đầu năm mới. Lực bán đã cho thấy sự áp đảo khi cả ngô và đậu tương đều tạo gapdown ngay sau khi mở cửa.

Nông sản

Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ ở phiên giao dịch đầu tiên sau đợt nghỉ lễ đầu năm mới. Lực bán đã cho thấy sự áp đảo khi cả ngô và đậu tương đều tạo gapdown ngay sau khi mở cửa. Kết thúc phiên, 4 trên 5 mặt hàng ghi nhận mức sụt giảm mạnh hơn 1%. Duy nhất có dầu đậu tương đóng cửa trong sắc xanh, nhưng chỉ ghi nhận mức hồi phục không đáng kể 0,23%.

Bên cạnh áp lực từ việc đồng USD tăng giá, kết quả xuất khẩu kém khả quan của Mỹ trong báo cáo Export Inspections tối qua đã khiến các mặt hàng chịu áp lực bán mạnh trong phiên vừa rồi. Trong đó, lúa mì dẫn dắt đà giảm của cả nhóm khi lao dốc hơn 3%, đẩy giá xuống mốc thấp nhất trong 4 tuần qua. Giao hàng lúa mì trong tuần kết thúc vào ngày 28/12 đạt 273.671 tấn, giảm từ mức 461.431 tấn trong báo cáo trước đó. Tính theo lũy kế đầu niên vụ, Mỹ mới chỉ giao được 50,59% kế hoạch xuất khẩu, chậm hơn đáng kể so với mức 57,59% trong cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo báo cáo, xuất khẩu ngô trong tuần đánh giá chỉ đạt 569.735 tấn, giảm tới 53% so với tuần trước đó và thấp hơn so với mức 683.042 tấn cùng kỳ năm ngoái. Đối với đậu tương, kể từ đầu niên vụ 23/24, tỷ lệ giao hàng so với xuất khẩu cả niên vụ chỉ mới đạt 43,2% so với mức 49,14% trong cùng kì năm ngoái.  Những số liệu trên gây nhiều thất vọng cho thị trường do đây là giai đoạn xuất khẩu ngô và đậu tương cao điểm của Mỹ, và tác động “bearish” đến giá CBOT.

Ngoài ra,Viện Khí tượng Quốc gia (Inmet) cho biết, Brazil sẽ trải qua mưa lớn ở cả miền Trung và phía Bắc trong tuần đầu tiên của tháng 1. Lượng mưa dự kiến sẽ cải thiện độ ẩm đất tại các vùng nông nghiệp lớn nhất như Mato Grosso, Goiás,… và giúp hỗ trợ phần nào phần diện tích cây trồng, vốn phải chịu ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng. Mặc dù, thị trường vẫn cần theo dõi xem điều kiện khí hậu ôn hòa hơn sẽ kéo dài trong bao lâu để đánh giá triển vọng mùa vụ, nhưng thông tin trên đã giúp xoa dịu tạm thời mối lo ngại trước đó của thị trường về nguồn cung tại quốc gia xuất khẩu ngô và đậu tương số 1 toàn cầu này.

Năng lượng

Giá dầu biến động mạnh trong phiên giao dịch đầu năm mới ngày 3/1, trước các thông tin xoay quanh rủi ro nguồn cung và tình hình kinh tế. Mở cửa phiên giao dịch, giá bật tăng 2 USD/thùng  trước các cuộc tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ của phiến quân Houthi cuối tuần qua, và báo cáo về sự xuất hiện của một tàu chiến Iran vào thứ Hai ngày 1/1. Tuy nhiên, giá bất ngờ đảo ngược mức tăng, giảm về vùng thấp nhất 3 tuần sau loạt dữ liệu kinh tế kém tích cực của Mỹ.

Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,77% xuống còn 70,38 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,49% xuống 75,89 USD/thùng.

Hãng vận tải khổng lồ Maersk cho biết sẽ tiếp tục tạm dừng tất cả các chuyến hàng vận chuyển qua Biển Đỏ, sau khi một tàu container bị tấn công bởi tên lửa và thuyền nhỏ từ phiến quân Houthi.

Giá dầu ngay lập tức mở cửa tăng trên 2% trước căng thẳng quanh khu vực vận chuyển huyết mạch này. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Mỹ đã hạn chế rủi ro quân sự. Bên cạnh đó, báo cáo sản xuất kém sắc của Mỹ trong tháng 12 làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế năm 2024, khiến giá dầu nhanh chóng đảo chiều chìm trong sắc đỏ.

Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 12/2023 của Mỹ giảm xuống còn 47,9 điểm, từ mức 49,4 điểm của tháng 11/2023 và thấp hơn so với mức 48,2 điểm theo ước tính sơ bộ của S&P Global. Đây là mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 8/2023, đồng thời tiếp tục ghi nhận thấp hơn ngưỡng 50 điểm, cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ.

Dự báo tăng trưởng kinh tế quý IV của Mỹ theo GDP Now của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Atlanta được điều chỉnh giảm từ 2,3% xuống chỉ còn 2% so với quý trước, mức tăng chậm nhất trong 1 năm.

Cũng gây sức ép tới giá dầu, dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg cho thấy xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga trong tuần cuối năm 2023 tăng vọt 560.000 thùng/ngày lên 3,78 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 7. Điều này khiến thị trường nghi ngờ về tuyên bố cắt giảm xuất khẩu thêm 500.000 thùng/ngày trong quý I năm 2024 mà Nga tuyên bố tại cuộc họp OPEC+ hồi cuối tháng 11. Ba nguồn tin từ liên minh cho biết, nhóm sẽ có cuộc họp cấp bộ trưởng vào đầu tháng 2 năm nay.

Nguyên liệu công nghiệp

Khép lại phiên giao dịch 02/01, giá Arabica hồi nhẹ 0,98% trong khi giá Robusta tiếp tục giảm thêm 1,30% so với tham chiếu. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn luôn rình rập trên thị trường, khiến giá Arabica chưa thể kéo dài đà giảm.

Trong báo cáo kết phiên 29/12, tổng số Arabica đã chứng nhận trên Sở ICE-US ở mức 251.224 bao loại 60kg, giảm 7.175 bao so với phiên trước đó. Sự bấp bênh trong khả năng hồi phục của dữ liệu tồn kho khiến những lo ngại về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung trên thị trường chưa thể biến mất.

Hơn nữa, rủi ro nắng nóng tại Brazil được dự báo sẽ tiếp tục đe dọa triển vọng nguồn cung cà phê niên vụ 2024/25. Hệ thống Tài nguyên Nước và Khí tượng Minas Gerais (Simge) cho biết, nhiệt độ trung bình trong quý I/2024 tại vùng trồng cà phê chính của Brazil có thể cao hơn 2 độ C so với bình thường. Điều này làm hạn chế khả năng phát triển của cây cà phê cho quả niên vụ 2024/25. Cùng với vấn đề tồn kho hiện tại đang ở mức thấp, khiến nông dân Brazil lo sợ về nguồn cung, từ đó hạn chế bán hàng.

Sau khi giảm về vùng giá thấp nhất trong 8 tháng, giá đường 11 đã tăng 1,55% trong phiên hôm qua. Sản lượng đường thấp tại Ấn Độ, kết hợp cùng lượng mưa ít hơn bình thường tại Brazil đã hỗ trợ giá tăng trong phiên đầu tiên của năm mới.

Liên đoàn các nhà máy đường tại Ấn Độ cho biết, từ ngày 1/10 đến 31/12 quốc gia này đã sản xuất 11,21 triệu tấn đường, giảm 7,6% so với cùng kỳ niên vụ trước. Lượng mưa thấp khiến sản lượng mía đường giảm, từ đó kéo theo sự sụt giảm trong sản xuất đường.

Bên cạnh đó, các đại lý đang chú ý về tình trạng lượng mưa dưới mức trung bình tại Brazil trong những ngày cuối năm 2023. Điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất mía và sản lượng đường trong tương lai.

Giá bông quay đầu giảm 1,31%, sau khi đã tăng 5 phiên liên tiếp trước đó. Đồng USD mạnh lên đã hạn chế nhu cầu về bông, bất chấp số liệu tích cực từ báo cáo xuất khẩu hàng tuần trước đó.

Cụ thể, chỉ số Dollar Index tăng mạnh 0,86% trong phiên hôm qua, đồng nghĩa với việc đồng USD mạnh lên và giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chí phí tăng dẫn đến việc hạn chế lực mua trên thị trường.

Giá du c thô dẫn đầu đà giảm trong phiên hôm qua khi đánh mất 1,64% so với tham chiếu. Xuất khẩu kém kết hợp cùng nhu cầu mờ nhạt đã gây sức ép lên giá. Mitesh Saiya, giám đốc thương mại tại công ty thương mại Kantilal Laxmichand & Co cho biết, xuất khẩu thấp hơn do nhu cầu dầu cọ tại các nước nhập khẩu đang yếu đi.

Các nhà khảo sát hàng hóa AmSpec Agri và Intertek testing Services cũng thống kê rằng, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong tháng 12 giảm từ 2,1% đến 9,9% so với tháng 11.

Kim loại

Sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết dương lịch. Đối với kim loại quý, giá bạc giảm 0,55%, dừng chân tại 23,95 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm giá thứ ba liên tiếp. Giá bạch kim để mất mốc 1.000 USD/ounce, chốt phiên tại 998,3 USD/ounce sau khi giảm 1,08%.

Các mặt hàng kim loại quý đồng loạt gặp sức ép trong phiên hôm qua do sự mạnh lên của đồng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index tăng 0,86% lên 102,2 điểm và đang trên đà đạt mức tăng phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 10.

Đồng USD tăng cao khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm tăng vọt và xung đột địa chính trị leo thang. Bên cạnh đó, chỉ số Dollar Index còn được hỗ trợ nhờ sự suy yếu của đồng bảng Anh và euro. Các đồng tiền này đồng loạt chịu sức ép sau khi S&P Global công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Anh và khu vực châu Âu tiếp tục duy trì ở vùng thu hẹp trong tháng 12.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp, đóng cửa tại mức 3,88 USD/pound, sau khi để mất 0,26%. Đồng USD tăng giá cũng góp phần làm giảm giá đồng trong phiên hôm qua.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ ràng, việc nước này tiếp tục công bố số liệu kinh tế yếu kém đã khiến triển vọng tiêu thụ đồng trở nên kém sắc hơn, đồng thời gây sức ép lên giá.

Cụ thể, theo dữ liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào Chủ nhật, hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp tháng thứ 3 liên tiếp khi chỉ số PMI sản xuất đạt 49 điểm trong tháng 12, thấp hơn 0,6 điểm so với dự báo và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt tăng 2,14% lên 143,08 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 6/2022. Bất chấp số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc, giá quặng sắt vẫn tăng do đây là mặt hàng nhạy cảm hơn với kích thích kinh tế của Trung Quốc. Vào Chủ nhật tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ củng cố và nâng cao xu hướng phục hồi kinh tế tích cực trong năm tới. Điều này làm tăng vọng kỳ vọng nước này sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn vào năm 2024.

Ngoài ra, sức mua quặng sắt được củng cố trong bối cảnh các nhà máy thép Trung Quốc tăng cường bổ sung nguyên liệu thô, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2.